Tham dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự còn có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cá nhân, đại diện tổ chức, mạng lưới uy tín hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong nước, quốc tế.
Năm 2020, mặc dù đối mặt với khủng hoảng Covid-19, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp của Việt Nam ước đạt hơn 310 triệu USD, Việt Nam cũng ghi nhận kỳ lân thứ hai là Vnpay. Nhiều chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã được Chính phủ cụ thể hoá bằng các Chương trình hỗ trợ chuyên sâu, như: Chỉ thị về hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chương trình quốc gia phát triển thương mại điện tử, chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030... Nhiều địa phương đã đưa ĐMST thành một mục tiêu phát triển, đặc biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Trước TECHFEST VIETNAM 2020, các sự kiện TECHFEST vùng cũng đã diễn ra: Đồng bằng sông Hồng tại Hải Phòng từ 25-27/9/2020; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tại Phú Yên ngày 1/10/2020, Đà Nẵng vào 9/10/2020; vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Bến Tre ngày 21-22/11/2020; vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 24/11/2020. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng về mặt số lượng và dần hình thành mô hình kết nối giữa Nhà nước - Nhà trường và doanh nghiệp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có hình thành không gian đổi mới sáng tạo, khu dịch vụ tập trung cho khởi nghiệp.
Để thích ứng với đại dịch, TECHFEST VIETNAM 2020 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hệ thống trực tuyến do liên minh các công ty công nghệ thông tin hỗ trợ (DQN, GTO, Netnam, Beowulf), thể hiện sự thích ứng và sáng tạo của doanh nghiệp Việt đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp đảm bảo tỷ lệ chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế tham gia đạt hơn 40%. Đóng góp vào thành công chung của sự kiện có sự của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải cùng với những sáng tạo của Đạo diễn Dương Quang Minh tại Lễ Khai mạc đầy ấn tượng. Với chủ đề “THÍCH ỨNG - CHUYỂN ĐỔI - BỨT PHÁ” sẽ tiếp nối chủ đề của TECHFEST các năm trước về kết nối và hội tụ nguồn lực trong nước, quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam. Từ đó, một lần nữa thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST có uy tín trong khu vực ASEAN. Sự kiện thường niên TECHFEST Việt Nam đã khẳng định được uy tín của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Có thể khẳng định, TECHFEST Việt Nam đã trở thành thương hiệu riêng trong chuỗi các sự kiện quốc tế về kết nối cộng đồng khởi nghiệp ĐMST.
Phát biểu tại Lễ khai mạc TECHFEST VIETNAM 2020, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định: “Trong giai đoạn vừa qua, từng bước, chúng ta đã hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Hành lang pháp lý đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện, khuyến khích hơn nữa các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST. Sự lan tỏa, tác động từ Đề án 844 ngày càng rõ nét và cộng hưởng, với 53 tỉnh/thành phố cùng triển khai các hoạt động cùng với sự tham gia đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... Đây là nền tảng rất vững chắc để phát triển mạng lưới kết nối quốc gia” Để hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST một cách bứt phá, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác; cùng nhau chung tay, hợp tác, ĐMST từ cách làm đến tư duy; phát triển nguồn nhân lực, và tạo ra môi trường cạnh tranh phù hợp; lấy các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST làm trung tâm của sự phát triển, nhưng chính bản thân các doanh nghiệp đó cần có sự chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Hiện nay, Việt Nam hiện có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD) là Công ty Cổ phần VNG (Vinagame), VNP và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có định giá trên 100 triệu USD. Bộ trưởng kỳ vọng đến năm 2025, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam sẽ có nhiều kỳ lân hơn nữa .
Tại buổi Lễ, Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, kể từ sau Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, nhiều chính sách đã được các bộ, ngành tiếp thu và điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó là hàng loạt các chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành thông qua các đề án quốc gia nhằm hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp ĐMST. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng ban hành Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 -2022” nhằm kiến tạo môi trường, động lực mạnh mẽ để các lực lượng thanh niên Việt Nam khác nhau ra sức sáng tạo khởi nghiệp, chung tay đưa Việt Nam thật sự trở thành quốc gia khởi nghiệp. Ngoài ra, các địa phương cũng tích cực ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình hành động nhằm hỗ trợ khởi nghiệp nói chung và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nói riêng.
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại với các nhà đầu tư, chuyên gia, thanh niên khởi nghiệp về 4 nhóm vấn đề gồm: Chính sách tài chính cho khởi nghiệp; Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; Nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt để thanh niên khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế; Hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp - thực trạng và giải pháp hoàn thiện.
Mở đầu cho bài phát kết luận sau Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết cách đây 2 năm khi dự ngày hội khởi nghiệp và tìm kiếm từ khóa "khởi nghiệp" có 13,4 triệu, thì nay chỉ trong 0,54 giây tìm kiếm đã có 20,7 triệu kết quả được tìm thấy. "Điều này cho thấy tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa mạnh mẽ, ở nhiều lứa tuổi, khởi nghiệp không có danh giới" - Thủ tướng nhận định.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần xem sáng tạo là tài nguyên mới cần khai thác, là tài nguyên vô tận của 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và người Việt ở nước ngoài. Do đó, phải xem con người là trung tâm sáng tạo, bởi người Việt Nam có đầy đủ yếu tố bẩm sinh cho sáng tạo, nên cùng ươm mầm, ước mơ và hiện thực hóa khát vọng. Thủ tướng khẳng định, với những nút thắt và khó khăn hiện nay, Chính phủ sẽ quan tâm tháo gỡ các vướng mắc này. Với các đề nghị mà thanh niên trẻ đưa ra, Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ tối đa quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến khởi nghiệp của doanh nghiệp. Chính phủ ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, thông tin viễn thông, tạo nền tảng cần thiết.
VVH